Trả lời:
Bạn Khải thân mến,
Thật ra, chúng tôi chưa hiểu vì sao bạn đặt câu hỏi như vậy? Ở đây chúng tôi cần bạn xác định thêm là triệu chứng này xảy ra trên heo thịt, hay heo nái? nếu là nái thì đang mang thai mấy tháng (chưa đẻ), đang đẻ hay đẻ rồi để xác định mức nguy hiểm của bệnh trên nái. Nếu heo nhà bạn có triệu chứng mép âm hộ sưng to, mọng nước, sung huyết, hay xuất huyết thì chúng tôi sẽ có thể giải thích, giới thiệu một số bệnh liên quan, hướng dẫn cách phòng, trị.
Còn câu hỏi đã từng có heo bị chưa? thì ý bạn là do bạn thấy lần đầu, hay đọc tài liệu thấy ? Còn việc có hay chưa phát hiện ở heo là do bạn tìm thấy nguồn tài liệu ở loài động vật khác? có thể áp dụng qua heo hay không (hay ý gì khác?)
1. Nếu triệu chứng xảy ra trên heo thịt:
- Cần khám lâm sàng thêm:
+ Cần đo thân nhiệt xem bao nhiêu (thân nhiệt bình thường của heo là 38,5 -39 độ C). Nếu heo sốt trên 39,5 độ thì cần kiểm tra thêm các triệu chứng khác; thí dụ:
+ Có bị hô hấp không (ho, khó thở, nhảy mũi, nhảy mũi nước, khạc đàm, có cục mũi, ho ra máu, ngồi như chó ngồi, thở bụng,...).
+ Có bị bệnh đường tiêu hóa: ói, tiêu chảy,...
+ Có bị bệnh tiết niệu: nước tiểu ra sao? (ít, có cặn đục, có màu vàng, đỏ, có máu, khi tiểu dòng nước tiểu thế nào, có liên tục hay ngắt quảng, tiểu ít, tiểu khó, có mủ,...)
+ Các biểu hiện khác:
. da có ửng hồng, hay xuất huyết (vì bạn nói mép âm hộ có xuất huyết),
. Mắt có xuất huyết? chảy ghèn?
. Còn ăn hay bỏ ăn? có uống nước? hay uống nhiều nước?....
. Trong chuồng có nhiều côn trùng không? (thí dụ: kiến, ruồi, muỗi, ong, ve, bọ chét, ...)
. Có vừa sử dụng một thuốc nào đó có khả năng gây dị ứng, hay phun thuốc sát trùng, rãi vôi,...
. Trong chuồng có nhiều heo bị không?
- Qua đó có thể xác định heo có bệnh nền là gì, ghép bệnh gì? Thí dụ: có thể bị côn trùng cắn gây dị ứng; cũng thể bị bệnh tai xanh, ghép E.coli, cũng có thể bị viêm sinh dục, tiểu khó, bị chèn ép vùng thân sau gây phù nề, bị heo khác đè,...
- Nếu do bệnh truyền nhiễm nào thì dùng phác đồ bệnh đó để điều trị (thường heo có sốt, bỏ ăn, tỉ lệ lây lan, kèm một số triệu chứng toàn thân khác...);
- Trước mắt có thể dùng thuốc như sau: (cho trường hợp viêm nhiễm niệu, phù nề ứ dịch và xuất huyết vùng do ngừng trệ lưu thông máu)
+ Urotropin 1ml/ 5-10kg thể trọng, ngày/ lần, 2-3 ngày
+ Vitamin K 1ml/ 10 kg thể trọng, ngày/ lần, 2 ngày đầu.
+ Amoxi 1ml/ 10 kg thể trọng, ngày/ lần 2-3 ngày
+ Glucose KC 1g/ lít nước uống (cho uống theo nhu cầu)
* Theo dõi kỹ các triệu chứng để chẩn đoán xem có ghép bệnh khác)
2. Nếu triệu chứng xảy ra trên nái: Nếu nái đang mang thai thì có thể do lượng Oestrogen trong máu cao, dẫn đến phát triển tế bào nội mạc tử cung, tích lũy chất, gây phù nề, sau đó gây ứ trệ lưu thông máu gây xung huyết, có thể gây giãn nở mạch tử cung và vỡ mạch gây chảy máu tử cung,...
- Nếu nái chưa đến ngày sinh: có thể gây sảy thai hoặc sinh sớm
- Nếu nái đến ngày sinh: sự phù nề (ở tử cung, âm đạo, âm hộ) sẽ làm chít nhỏ kinh đẻ (diện tích ống đẻ), có thể thai không ra được. Các can thiệp lấy thai sẽ dễ gây tổn thương niêm mạc tử cung và bể mạch tử cung (gây xuất huyết nội, băng huyết sau đẻ) do sự phù nề làm yếu các tổ chức ở vùng này.
- Cách xử lý:
+ Tại chổ: Dùng liệu pháp lạnh ngọt ưu trương (Glucose hypertonic cold therapy): Dùng đá ngọt. Cách làm đá ngọt: Lấy khoảng 500ml nước, đun nóng hoặc sôi, cho đường vào thật ngọt, chia nhỏ cho vào chung làm đá để tủ lạnh cho đông cứng. Lấy cục đá ngọt áp vào mép âm hộ cho teo lại.
+ Tiêm thuốc toàn thân:
. Tiêm Urotropin: 1ml/ 10 kg thể trọng, ngày/ lần 3-4 ngày
. Vitamin C: 10-20ml/ nái
. Vitamin K: 1ml/ 10-15 kg thể trọng, ngày/ liều, 2 ngày đầu
. Kháng sinh: Có thể tiêm như với heo thịt: Amoxi 1ml/ 10-15 kg thể trọng, ngày/ lần, 3-4 ngày (nếu nái có ghép bệnh khác thì tùy theo bệnh có phác đồ kháng sinh khác)
. Nếu nái sốt trên 39,5 độ C: Tiêm Ketovet 1ml/ 16 kg thể trọng, ngày/ lần 2-3 ngày
* Nếu nái còn trên 5 ngày nữa mới đến ngày sinh dự kiến: tiêm 1 liều an thai Progesteron 2ml/ nái; 1 liều duy nhất.
* Nếu nái đến ngày sinh: sau liệu pháp lạnh ngọt ưu trương và tiêm thuốc toàn thân, mép âm hộ teo lại, cứ cho nái sinh bình thường, tuy nhiên hạn chế thăm khám, khi thăm khám cần nhẹ nhàng.
Bạn có thể thám khảo thêm trang web của Cty Vemedim: http://www.vemedim.vn/vi/ct-bvdt?%C3%82m%20%20h%E1%BB%99%20heo%20n%C3%A1i%20%C4%91%E1%BA%BB%20b%E1%BB%8B%20ph%C3%B9%20n%E1%BB%81-129.html
Chúc bạn thành công!.